Hỗ trợ trực tuyến

Quảng Cáo

Thống kê

Giải trí

[giaitri]

HOA CUỘC SỐNG

COPYCAT - Mô Phỏng Hay Sao Chép!

Copycat (dịch sang tiếng Việt có nghĩa là bắt chước, sao chép) là từ được dùng để mô tả một người sao chép một ý tưởng hay thói quen, tính cách của người khác thành của mình. Một định nghĩa khác khi tra cứu trên mạng thì Copycat còn là sao chép và mô phỏng, tất cả các khái niệm đều có mặt tốt và xấu tùy theo mục đích sử dụng, vậy chúng ta sẽ hiểu và ứng dụng thế nào cho hiệu quả và thiết thực nhất?

 

   Việc sao chép chắc chắn là không đúng rồi, nhưng liệu chúng ta có đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “sao chép" và "học hỏi" không? Sao chép là việc bê nguyên bản ý tưởng của người khác, đánh cắp chất xám của họ để làm lợi cho mình. Học hỏi (mô phỏng) là khi chúng ta tập hợp các ý tưởng, lấy cảm hứng từ chúng và xây dựng ra ý tưởng cá nhân.

   Có hơn 8 tỷ con người trên thế giới, bạn nghĩ rằng mình có thể tạo ra một ý tưởng mà chưa ai làm bao giờ? thật khó. Hãy tìm hiểu và rút ngắn khoảng cách tới thành công bằng cách học hỏi và sáng tạo”.Mọi ý tưởng đều mang tính kế thừa, tích lũy và phát triển, cho nên có kế thừa và tích lũy thì chúng ta mới có cơ sở để sáng tạo. Hướng về những điều mới hay nhìn về những điều cũ để làm nó tốt hơn cũng đều là sáng tạo.

Spotted Imposter!

   Sự khác nhau giữa việc mô phỏng & sao chép, đó là người mô phỏng sẽ chủ động, còn người sao chép sẽ thụ động. Bởi vì người mô phỏng sẽ tìm vào bản chất, hiểu việc làm mục đích trong khi mô phỏng, còn người sao chép thường sẽ chỉ mô phỏng bề ngoài, và kết quả cho ra cũng sẽ khác nhau.

  Chúng ta sẽ thấy Copycat hiện diện hầu như xung quanh chúng ta, từ giáo dục đến kinh doanh hay các lứa tuổi từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, khi nhận ra một cách rõ ràng các khía cạnh sẽ giúp chúng ta ứng dụng phù hợp để phát triển con người một cách tốt nhất.

  Copycat trong giáo dục trẻ em trong lứa tuổi mầm non, nhi đồng: các bé trong lứa tuổi này ngoài việc học từ sách vở, bài tập; chúng học từ người thực việc thực và những câu chuyện với gia đình và các mối quan hệ xung quanh là rất lớn. Chúng luôn quan sát cách người lớn nói chuyện, ứng xử, biểu hiện trên gương mặt và cơ thể để bắt chước theo. Đó mới là cách chúng hình thành nhân sinh quan, lời nói, hành động và tính cách, và cũng chính là con đường đời mà chúng sẽ đi. Việc các thành viên tương tác với nhau trong gia đình sẽ có một ảnh hưởng rất lớn đến hành động và tính cách của các bé sau này.

image%20(19).png

  Copycat trong môi trường của các bạn học sinh, sinh viên: Như trong trường học hiện nay, các bạn tuổi teen cũng thường "Sao chép" thần tượng ưa thích của mình,  thậm chí còn hình thành các khái niệm kiểu “phân cấp” theo trình độ, kỹ năng, đẳng cấp copycat như, từ “nghệ nhân” (bắt chước giống trang phục, đầu tóc), “nghệ sĩ ưu tú” (giống cả từ diện mạo đến phong cách), “nghệ sĩ nhân dân” (giống từ A đến Z, độ “hot” cao). Đây là một điều bình thường, vì khi các bạn cảm nhận được phong cách, cá tính từ một người bạn, một hình mẫu, hay thần tượng để học theo cũng giúp các bạn nhận ra điểm mạnh yếu của mình, hình thành khuynh hướng tâm lý, hình thức theo một cách tích cực hơn (nhưng nếu bỏ qua việc phù hợp với lứa tuổi, với môi trường, cuộc sống thì lại không hay). Việc “copycat” sẽ là những ưu điểm mang tính tích cực giúp bạn tự tin hơn, đẹp hơn, cá tính hơn; nhưng hãy cẩn thận để tránh trở thành lố bịch, kệch cỡm.

   Copycat còn có thể trở thành một trào lưu để thu hút mọi người trên mạng xã hội, như một chàng trai 17 tuổi đến từ New Zealand đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội sau khi tạo ra những bản sao hài hước của nhiều ca sĩ và diễn viên nổi tiếng. Anh ấy đã thu hút hơn 1,5 triệu người theo dõi trên Instagram bằng cách chụp những bức ảnh bắt chước người nổi tiếng với những sáng tạo của mình, thiết kế được tạo ra bằng túi rác, bóng bay, tóc giả nhiều màu sắc và thậm chí cả các loại thực phẩm khác nhau.

Katy PerryLana Del Rey

   Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ cũng sao chép các phong cách của nhau khi cảm nhận thấy những nét tương đồng, Như Sơn Tùng M-TP bị cho là nhái phong cách G-Dragon (nhóm Big Bang)  từ trang phục, kiểu tóc, nhiều động tác trên sân khấu của nam ca sĩ Việt Nam này đều cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc với ngôi sao ca nhạc của Hàn Quốc. Hay như Angela Phương Trinh từ lâu được xem là Phạm Băng Băng phiên bản Việt. Lý do bởi Angela Phương Trinh thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện với phong cách ăn mặc và trang điểm tương tự Phạm Băng Băng.

 son-tung-m-tp-g-dragon3-8034.jpeg

   Trong hội họa, copycat thành công cũng cần phải nói đến bức "La Joconde" (Mona Lisa) của Mai Trung Thứ lấy cảm hứng từ tác phẩm "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci. Với bức Mona Lisa 1974, hoạ sỹ đã có sự thay đổi khi ông sử dụng chất liệu tranh lụa và thổi hồn vào bức tranh bởi gương mặt của một thiếu nữ Việt. Phong cảnh nền phía sau cũng đậm chất Việt khi là bóng dáng của vịnh Hạ Long. Chính vì thế, dù là tác phẩm sao chép phái sinh nhưng Mona Lisa 1974 của Mai Trung Thứ vẫn ghi dấu ấn rất riêng.

 Dự đoán trái chiều xung quanh "nàng Mona Lisa Việt Nam" sắp lên sàn đấu giá  quốc tế | Báo điện tử An ninh Thủ đô

   Trong các mô hình khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, Copycat Startup là hình thức khởi nghiệp học tập dựa trên mô hình của người đi trước, từ ăn theo ý tưởng tới sao chép hoàn toàn, ngày càng phát triển và có khi còn đông đảo hơn nhiều so với mô hình gốc. Giới startup phân chia các loại hình sao chép thành 3 loại, đó là: sao chép nguyên bản, sao chép có chỉnh sửa và sao chép cách thức

  •  images?q=tbn:ANd9GcSx9Vpxhh0dgEy40RLd48w  Sao chép nguyên bản có thể lấy ví dụ như Foody và Yelp của Mỹ, với bố cục, thị trường mục tiêu và ngay cả màu sắc chủ đạo gần như hệt nhau
  •  images?q=tbn:ANd9GcSx9Vpxhh0dgEy40RLd48w  Sao chép có chỉnh sửa ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Grab và Uber, Grab bắt chước Uber cùng khai thác mảng vận tải nhưng tập trung vào phân khúc taxi và có một vài thay đổi trong phương thức thanh toán, chọn lái xe và hành khách.
  •  images?q=tbn:ANd9GcSx9Vpxhh0dgEy40RLd48w  Sao chép cách thức: Ví dụ một số mô hình tiêu biểu tại Việt Nam như Ahamove của Giao hàng nhanh là Uber trong vận tải, Lozi là Pinterest của ẩm thực hay PIF là “Tinder dành cho doanh nhân khởi nghiệp”.
  • Baidu bỏ xa Google về thị phần tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc.

   Cho đến tầm quốc gia, rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc được cho là đạo nhái ý tưởng (copycat) của Phương Tây, như Microblog từ Twitter, QQ từ OICQ, Baidu từ Google, Meituan từ Groupon”, và trong thời điểm hiện tại, các hãng khởi nghiệp Mỹ cũng sao chép lại mô hình của Trung Quốc như: các công ty khởi nghiệp dịch vụ cho thuê xe đạp theo mô hình của Trung Quốc, hay những công ty lớn như Apple hay Facebook cố gắng bắt chiếc nhiều tính năng của WeChat. Trước khi ứng dụng hẹn hò Tinder xuất hiện, Trung Quốc đã có Momo với dịch vụ tương tự…

Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 1.

   Ở Việt Nam, với một thị trường nội địa rộng lớn 100 triệu dân cùng rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, các mô hình copycats khởi nghiệp sẽ không mất quá nhiều thời gian dò dẫm làm phép thử đúng - sai mô hình của mình mà sẽ thừa hưởng kinh nghiệm của các startup thành danh, điều chỉnh để phù hợp với thị trường nội địa mà mình đã am hiểu và ra mắt sản phẩm sớm nhất có thể..

   Trên thực tế, trường hợp này đã từng diễn ra với Nhật Bản khi nền kinh tế này trỗi dậy hậu Thế chiến II nhờ chuyên đi sao chép. Sau Thế chiến II, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu mô hình kinh tế Mỹ và đạo nhái các sản phẩm bình dân. Ban đầu họ chưa chú trọng vào chất lượng mà chỉ mang tính học hỏi, thế rồi dần dần người Nhật cải tiến sản phẩm và đặt các tiêu chuẩn khắt khe lên hàng đầu làm lợi thế cạnh tranh. Nhờ tận dụng sự bắt chước mà vào thập niên 1990, nền kinh tế Nhật trỗi dậy trở lại thành công với thu nhập GDP bình quân đầu người cao tới 23.796 USD, đứng thứ 2 thế giới sau Thụy Sĩ.

Hình ảnh con báo của Hãng thời trang Puma biến thành chú mèo trên một sản phẩm nhái khác, với tên thương hiệu là Foum

  AI (Artificial Intelligence) nghĩa là trí tuệ nhân tạo, công nghệ này mô phỏng những suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Trong thời đại hiện nay, khi “trí thông minh” đang tách dần ra khỏi “ý thức”, nhân loại đang phải đối mặt với sự tiếp nhận các vấn đề mới chưa từng có trong tiền lệ: Các vật thể phi ý thức nhưng có trí thông minh đang tạo ra các đóng góp trong nhiều lĩnh vực của con người. Liệu những mô phỏng này có phải là những sao chép hay là những sáng tạo mới, và một điều quan trọng là chúng có được công nhận bản quyền hay không, con người chúng ta sẽ ứng phó như thế nào trong sự phát triển vũ bão của công nghệ này.

Genshin Impact: Họa sĩ AI cướp tranh còn la làng bị cộng đồng vạch mặt và tẩy chay thành công

Một họa sĩ AI đã gây tranh cãi khá lớn trong cộng đồng Genshin Impact - theo lag.vn

  Copycat hiện diện hầu như trong các lĩnh vực trong đời sống con người, từ giáo dục, nghệ thuật đến kinh doanh và trong mọi tầng lớp xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận mặc dù có nhiều lợi ích nhưng Copycat có thể dẫn đến vi phạm bản quyền khi sao chép, đồng thời với các công ty kinh doanh có ý đồ xấu sẽ dựa trên ý tưởng này, sản xuất ra hàng giả hàng nhái để bán với giá cao, móc túi người tiêu dùng. Dẫu vậy, khi nhận ra một cách rõ ràng các khía cạnh biểu hiện của nó, chúng ta sẽ có những ứng dụng phù hợp để phát triển con người, cuộc sống một cách tốt nhất.

 

 Dũng Nguyễn

Tham khảo nguồn: Bloomberg, Cafebiz, exploringyourmind, Financial Times, DemocracyJournal...

20/2/23

Các tin khác