Hỗ trợ trực tuyến

Quảng Cáo

Thống kê

Giải trí

[giaitri]

TIN PHONG THỦY

CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO

Không ai trong chúng ta biết chính xác tục cúng ông Công ông Táo hình thành từ bao giờ. Người ta chỉ biết rằng nó được hình thành từ rất lâu đời, hằng sâu trong tiềm thức người Việt. Dù lễ cúng không yêu cầu gia chủ phải tổ chức cầu kỳ. Thế nhưng, nó phải trang trọng chu đáo và thể hiện tấm lòng của người cúng. Theo quan niệm của ông cha ta, ông Táo là vị thần cai quản, giám sát mọi hoạt động của gia đình, không những thế ngài còn là vị thần giữ nhà, không cho ma quỷ xâm nhập, mang lại bình yên cho gia đình. Với những lý do trên, việc thờ cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa hết sức linh thiêng. Nó thể hiện ước nguyện về một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc và đủ đầy. Cùng với đó là ý nghĩa thờ “thần Bếp” cai quản việc bếp núc của gia đình.

   Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ bắt nguồn từ sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
   Theo quan niệm của người xưa, ba vị thần này được Trung ương Hoàng Đế phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người.
   Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. 

   Lễ cúng Táo quân gắn với sự tích ông Táo với nhiều dị bản. Các thư tịch cổ liên quan đều cho rằng tập quán này có nguồn từ tục thờ "Ngũ tự", để trả công cho 5 vị thần trong gia đình: thần Cổng (Môn thần), thần Cửa (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần), thần Bếp (Táo thần) và thần Đường đi trong nhà (Hành thần).

  Lại có thuyết khác nói "Ngũ tự" gồm 5 vị: thần Bếp (Táo thần), thần Giếng (Tĩnh thần), thần Cửa (Môn thần), thần Nhà (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần) hoặc 5 vị: thần Bếp (Táo thần), thần Đất (Thổ công), tổ nghề (Tiên sư), thần cửa (Môn gia hộ úy), thần bảo hộ sức khỏe con người và vật nuôi (nhân súc Y thần)...

   Trong 5 vị gia thần, Táo quân, Thổ địa và Môn thần được thờ cúng phổ biến nhất. Táo quân được coi là vị thần chủ về phúc đức trong gia đình với tên gọi đầy đủ là "Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân".

 

  Trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi, sự tích ba ông đầu rau nói về nguồn gốc "vua bếp hai ông một bà" gồm người vợ là Thị Nhi (Nhi nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao (Cao nghĩa là tinh bột, ám chỉ gạo) và người chồng sau là Phạm Lang (Lang còn có âm đọc là Canh – món canh).

  Khi "cơm không lành, canh không ngọt", cả ba người gặp bi kịch mà phải chịu thân phận đen đủi, lem luốc của ba ông đầu rau. Họ hóa thân cho bếp lửa gia đình luôn ấm cúng. Có lẽ từ ý nghĩa này mà dân gian gọi Táo quân là vị thần định phúc, quản về nhân sự trong gia đình.

  Từ đó, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ tiễn Táo quân về chầu Ngọc hoàng, gọi là Tết Táo quân. Lâu dần có nơi tổ chức lễ cúng Táo quân vào ba ngày khác nhau. Vua quan cúng ngày 23, thứ dân cúng ngày 24 và những người làm nghề chài lưới, ngư dân cúng vào ngày 25. Gần đây có thể cúng Táo quân từ ngày 17 đến ngày 23 tháng Chạp.

  Từ xưa đến nay, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình.

Cúng ông Công ông Táo 2023:

Mâm cơm lễ ông Công, ông Táo cần những gì?

 Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng nên mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau. Mâm cỗ cúng ông Táo luôn đầy ắp màu sắc, với mong muốn một năm sung túc.

   Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả...

   Điều đặc biệt phải có 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã). Sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính ghi: "Mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời".

  - Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: 2 mũ dành cho Táo ông, 1 mũ dành cho Táo bà. Mũ cho Táo ông sẽ có cánh chuồn. Còn mũ cho Táo bà sẽ không có cánh chuồn. Hoặc bạn chỉ cần chuẩn bị 1 cỗ mũ ông Công để tượng trưng.
  - Cá chép: mang ý nghĩa là phương tiện di chuyển của ông Công ông Táo khi trở về thiên đình, có thể dâng lên cá chép giấy hay cá chép sống đều được. Theo tục miền Bắc, họ sẽ cúng một con cá chép sống, thả vào chậu nước. Nó mang ngụ ý “cá chép hóa rồng”. Còn ở khu vực Nam Bộ, người ta thường cúng cá chép giấy nhiều hơn.
  - Ngoài ra, còn có các món lễ vật quan trọng khác như giấy tiền vàng đủ loại, áo, hia bằng giấy.

  Những năm 1990 trở về trước, ở miền Bắc, nhiều gia đình bất kể lễ vật nhiều hay ít, luôn cố gắng có một đĩa bánh kẹo (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo...) hoặc một bát mật mía. Dân gian cho rằng Táo quân về chầu Ngọc hoàng cần "ngọt giọng" tấu báo những điều tốt đẹp về gia đình mình, cầu mong Ngọc hoàng ban phúc lành cho gia đình trong năm mới.

  Ở một số địa phương khu vực Bắc Trung bộ như Thọ Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), lễ vật cúng Táo quân không dùng canh, vì ba ông Táo (ba ông đầu rau) được đắp bằng đất sét, cúng canh sợ làm Táo quân bị "thũng" chân. Chuyện dân gian ở đây kể rằng, xưa có gia đình do lười biếng nên nghèo khổ, quanh năm chẳng có gì ăn, cuối năm cũng không có gì cúng Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp, chủ nhà sang hàng xóm xin nước luộc chân giò về cúng Táo quân khiến ông bị sũng nước (phù thũng), bởi vậy nhân dân một số xã trong vùng kiêng bày canh trong mâm lễ.

  Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng phong tục cúng Táo quân ở nước ta cơ bản thống nhất, cả về quan niệm, nghi thức, lễ vật và văn – sớ, chỉ có một vài yếu tố khác biệt mang tính dị bản trong sự tích ông Táo, vốn là thuộc tính của văn hóa dân gian.

  Theo nhiều chuyên gia, nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ Thần Linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
  Mặc dù còn khá nhiều quan niệm khác nhau xung quanh việc cúng ông Công ông Táo ở đâu thế nhưng dù thực hiện lễ cúng này ở trong bếp hay ở bàn thờ riêng, hay bàn thờ Thần Linh thì gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.

 

Cúng Táo quân thời điểm nào?

  Lễ cúng Táo quân trong thời điểm xã hội hiện đại đã được ấn định vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không cần chọn giờ, chỉ cần cúng xong trước 23h là được.

   Nhiều người cho rằng nên cúng ông Công ông Táo trước 12 trưa 23 tháng Chạp vì sau 12h trưa, cổng thiên đình sẽ đóng lại. Khi đó ông Công ông Táo không thể báo cáo kết quả cho thiên đình.

  Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm chung theo thông lệ và tập tục chứ không nhất định phải như vậy. Người miền Bắc có thể cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp và các ngày trước đó là ngày 20, 21, 22. Nhưng với người miền Nam, thời điểm thích hợp để cúng ông Công ông Táo lại vào buổi chiều tối ngày 23.

  

Những điều cần chú ý trong lễ cúng ông Công, ông Táo

  Chủ nhà khi cúng Táo quân phải thành tâm điểm lại những sai lầm, việc xấu đã phạm phải trong năm, đã xảy ra trong gia đình; kiểm điểm, sám hối, hứa quyết tâm sửa đổi lỗi lầm và cầu xin Táo quân chỉ tấu báo những điều tốt đẹp, mong Ngọc hoàng ban phúc cho gia đình.

  Trước đây nhiều gia đình khi cúng Táo quân gọi hết con cháu đến nghe lời khấn, để cùng kiểm điểm với bố mẹ, cùng sám hối và biết phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới. Hoặc trong bữa cơm sau lễ cúng Táo quân, ông bà, cha mẹ kể lại sự tích Táo quân và căn dặn con cháu phải ăn ở phúc đức, chăm ngoan, không được làm việc xấu, trung thực. Đây là điểm quan trọng nhất trong lễ cúng Táo quân vì nó mang tính giáo dục, tinh thần hướng thiện sâu sắc.

 

Cách lựa chọn cá chép để cúng ông Công ông Táo

  Trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể nào thiếu cá chép. Không tính đến trường hợp cúng cá chép giấy. Nhưng nếu bạn cúng cá chép sống thì phải lựa chọn như thế nào?
  Cá chép để cúng ông Công ông Táo thường là cá chép đỏ.
  Nên ưu tiên chọn những chú cá khỏe mạnh. Hãy kiểm tra bằng cách chạm tay vào mặt nước, nếu bạn thấy cá bơi nhanh, quãy mạnh thì chọn.
  Lúc mang cá về nhà, bạn hãy thả ngay vào một chậu nước sạch. Không nên vớt cá nhiều lần từ chỗ này sang chỗ khác. Khi mang cá đi thả, bạn nên chọn những ao hồ, sông suối không bị ô nhiễm. Đặc biệt, phải thả cá xuống tận mép nước, không nên ném hoặc hất cá từ trên cao xuống.

 

Văn khấn Nôm lễ Táo quân 23 tháng Chạp (tham khảo)

  Bày lễ, thắp hương xong khấn như sau: (Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin) 

cúng ông Công ông Táo


  Nam mô A Di Đà Phật!
  Nam mô A Di Đà Phật!
  Nam mô A Di Đà Phật!


  Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
  Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
  Tín chủ (chúng) con là: …
  Ngụ tại: …
  Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
  Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
  Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
  Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
  Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.


  Nam mô A Di Đà Phật!
  Nam mô A Di Đà Phật!
  Nam mô A Di Đà Phật!

  

 

Các tin khác